Khát khao cháy bỏng
Quen biết chị Trinh đã lâu nhưng mới đây, tôi mới có dịp gặp lại chị. Vẻ tươi tắn của chị làm tôi dự cảm rằng chị đang có chuyện vui hay có kế hoạch lớn. Bên góc một quán cà phê ở trung tâm TP.Thủ Dầu Một, chị hồ hởi cho biết chị sắp đi dự hội nghị ngành gỗ cả nước tại Hà Nội, sắp được báo cáo tại hội nghị về công nghệ máy chế biến gỗ của Việt Nam. Nghe chị nói, tôi khâm phục với thành tích của chị. Câu hỏi của chị làm tôi thoáng bối rối với ý nghĩ không mấy thiện cảm len qua đầu mình vừa xong: “Bạn nghĩ mình hư danh, hay bạn nghĩ mình thích thể hiện”. Tôi cười gượng khi ý nghĩ của mình đã được chị nắm bắt.
Chị Trinh tâm tình, 20 năm làm nghề, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm cũng là 20 năm chị thấu hiểu được sự khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ về nguồn lực tài chính cũng như khát khao đổi mới công nghệ. Lần này được báo cáo trước Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành với chị là một cơ hội. 20 năm qua, chị luôn mơ ước có một máy chế biến gỗ mang thương hiệu Việt để doanh nghiệp được sử dụng công nghệ tốt, giá cả phải chăng mà chất lượng máy móc không thay đổi. Mỗi lần nhập hàng cho khách, nhiều lần nhìn khách hàng lo lắng bởi những vấn đề tài chính… là mỗi lần khát khao có được máy chế biến gỗ mang thương hiệu Việt lại càng nhen nhóm trong chị.
Chị Trinh chia sẻ, hiểu được tâm tư của khách hàng, chị luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng. Điều đáng mừng là chồng chị là chỗ dựa vững chắc để chị phát triển sự nghiệp. Chị luôn sẵn sàng bỏ hàng giờ để tư vấn, thuyết phục khách hàng sử dụng công nghệ tốt không phải vì lợi nhuận mà vì sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bất cứ một sự phát triển nào cũng cần hướng đến sự bền vững. Nếu chúng ta thực sự làm chủ công nghệ thì ngành gỗ sẽ có cơ hội phát triển hơn.
Trò chuyện với chị, câu chuyện luôn bị ngắt quãng vì các cuộc điện thoại của khách hàng. Cán bộ, nhân viên Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên cho hay, chị Trinh thường xuyên dặn dò kỹ thuật viên của mình từng li từng tí khi chăm sóc, sửa chữa, bảo hành, vận hành cho khách hàng. Chị Trinh thừa nhận mình là người cầu toàn và ôm đồm công việc. Với từng khách hàng, chị đều tự mình kiểm tra sự hài lòng của khách cuối cùng. “Không phải tôi không tin nhân viên, mà tôi muốn tạo một sự yên tâm lớn nhất từ doanh nghiệp sản xuất, bởi hơn ai hết tôi hiểu doanh nghiệp đã cố gắng rất nhiều…”, chị Trinh nói.
Để máy móc thương hiệu Việt phát triển
Chúng tôi bất ngờ hơn về chị khi lên diễn đàn chị đã không nói như những gì đọc thuộc đêm qua. Cả hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) chăm chú nghe chị trình bày tham luận, có lẽ một phần vì sự tò mò chị chỉ là doanh nghiệp nhỏ (doanh thu chưa đến 100 tỷ đồng/năm), một phần vì chị là… phụ nữ. Nhưng sau hết là sự lôi cuốn vào tâm huyết nghề nghiệp của người phụ nữ rất đỗi bình dị này. Chị bỏ hết những con số, những con chữ dư thừa, tự tin nói về sự quan trọng của công nghệ đối với ngành gỗ, những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trước áp lực của thị trường khi đòi hỏi sản phẩm phải tinh xảo, phải đẹp hơn mà giá cả thì không đổi.
Chị Trinh cho hay, trên thực tế, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã làm điều này rất thành công và đến nay hầu như các thiết bị chế biến gỗ của Đài Loan đã trở thành thương hiệu tốt nhất trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào trình độ của đội ngũ kỹ thuật viên Việt Nam về vấn đề này. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp máy móc chế biến gỗ của Việt Nam làm được điều này, bước đầu đã thành công nhưng vẫn còn manh nha, chưa đăng ký quyền bảo hộ tài sản trí tuệ…
Chị Trinh cho biết, chị đã kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích ngành máy móc chế biến gỗ phát triển song hành cùng với ngành sản xuất gỗ để hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tạo điều kiện tốt hơn nữa về vốn để các doanh nghiệp máy móc chế biến gỗ có thể mua được những công nghệ của các nước như Đức, Ý, Nhật… để doanh nghiệp máy móc chế biến gỗ tự sản xuất máy móc mang thương hiệu Việt. Nếu để doanh nghiệp máy móc chế biến gỗ tự tìm mua công nghệ thì hiện nay không đủ lực, vì những ràng buộc và kinh phí mua thiết bị máy móc này lên tới hàng triệu đô la Mỹ…
Nguồn : báo Bình Dương