BÁO CÁO THAM LUẬN
HIỆN TRẠNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ
CHẾ BIẾN LÂM SẢN VIỆT NAM
Giám đốc
Dương Thị Tú Trinh
Công ty TNHH Thượng Nguyên
1. Sự tiến bộ của công nghệ máy chế biến gỗ
Những năm 90, ngành mới chập chững bước phát triển công nghiệp bằng những sản phẩm thủ công và xuất nguyên liệu thô. Nhưng đến nay với sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này, xuất khẩu lâm sản đã cán mốc 8 tỷ năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã trở thành ngành hàng xuất siêu số 1 trong nhóm ngành nông nghiệp (đạt 8,91 tỷ USD vào năm 2018)
Từ điểm xuất phát thấp khi chỉ chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nguyên liệu thô sang sang một số nước châu Á, đến nay ngành công nghiệp chế biến tạo ra được những sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại, đáp ứng được thị yếu người tiêu dùng trong và ngoài nước với đủ các chủng loại như: bàn, ghế, tủ giường sử dụng trong văn phòng, gia đình và khách sạn; các loại cửa, ván sàn sử dụng trong xây dựng và các loại sản phẩm đồ gỗ ngoại thất…vv.
Với ý chí vươn lên sánh cùng bè bạn trong khu vực, các DN đã nắm lấy thời cơ, đầu tư trang thiết bị máy móc và tổ chức sản xuất để làm nên ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở mức cơ khí bán tự động và tự động trong khoảng thời gian đầu thập niên của thế kỷ này và đến nay việt nam đã là nước xuất khẩu lâm sản đứng đầu trong các nước ASEAN.
Để có được điều này các DN sản xuất đã nắm lấy thời cơ, đầu tư trang thiết bị máy móc và tổ chức sản xuất để làm nên ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở mức cơ khí bán tự động và tự động. Đặc biệt, các DN đã chú trọng đầu tư nhiều thiết bị hiện đại với hệ thống dây truyền sản xuất tự động, sản xuất được với nhiều chi tiết sản phẩm phức tạp, tiết kiệm nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Từ chỗ sử dụng máy chế biến gỗ thời kỳ đầu, khi ngành CN CBG phụ thuộc vào thủ công, sức người với những máy móc thô sơ, còn tốn nhiều sức người, như:
Máy làm mộng oval âm – sử dụng bằng cơ trong giai đoạn 1990 đến 1995
Máy làm mộng oval dương – sử dụng cơ trong giai đoạn 1990 đến 1995
Máy làm mộng oval âm – sử dụng bằng cơ trong giai đoạn 1995 đến 2000
Máy làm mộng oval dương – một đầu – sử dụng bằng cơ trong giai đoạn 1995 đến 2000
Máy làm mộng oval âm nhiều đầu – sử dụng bằng cơ trong giai đoạn 2000 đến 2010
Máy làm mộng oval dương hai đầu – sử dụng bằng cơ trong giai đoạn 2000 đến 2010
Đến nay các DN chế biến gỗ đã sử dụng nhiều công nghệ ngang tầm với thế giới như:
* Máy CNC Làm mộng Oval Âm – Tạo rãnh – Khoan – 5 đầu – sử dụng đa chức năng trên một máy.
* Máy CNC Làm Mộng Oval Dương – Hai đầu – Thao tác 01 thanh gỗ mỗi lần đưa phôi – cân chỉnh một bằng tự động.
* Máy CNC Làm Mộng Oval Dương – Hai đầu – Thao tác 03 thanh gỗ mỗi lần đưa phôi – cân chỉnh một bằng tự động.
Giai đoạn những năm 2005, khi G&SPG của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ thì đồng thời ngành CBG của Việt Nam đón nhận những cơ hội mới về luồng sóng đầu tư từ nước ngoài và tận dụng được những cơ hội từ việc áp thuế này. Với sự đầu tư quyết liệt, CBG Việt Nam phát triển mới, thay đổi về công nghệ.
Áp dụng các công nghệ mới như : Máy chế biến CNC, Hệ thống tự động hóa, Bố trí sắp xếp dây chuyền hợp lý :
** Máy CNC Gia Công Chân Ghế và Hệ Thống Chà Nhám Chân Ghế – Tự Động .
** Trước đây ta cần 08 nhân công đứng máy nhưng nay chỉ cần 03 nhân công đứng máy.
Cùng với sự phát triển của ngành Chế biến gỗ cách đây 3 năm, từ chỗ phải nhập khẩu, chưa ai nghĩ có ngày Việt Nam xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trắng sức bề mặt, thì nay thực tế các sản phẩm này do Việt Nam sản xuất đã hiện diện tại các thị trường Bolivia, Myanmar, Campuchia, v.v…
2. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công nghệ máy chế biến gỗ
Hiện nay, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng, trực tiếp góp phần giúp nâng cao năng suất. Đổi mới công nghệ bao gồm cả việc thay thế các công nghệ cũ, gây lãng phí trong sử dụng nguyên liệu, cũng như thay đổi cách vận hành quản lý công nghệ trong các nhà xưởng. Việc Nâng cao năng suất, đẩy mạnh xuất khẩu của ngành chế biến gỗ đòi hỏi nguồn lao động có chất lượng cao; giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ, máy móc; thúc đẩy sản xuất các sản phẩm mang tính chất đồng bộ.
Khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ, những công nghệ chế biến, sản xuất gỗ liên tục được cho ra đời. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Và chúng ta phải khẳng định, công nghệ hiện đại trong chế biến gỗ có yếu tố quyết định trong việc tăng tốc phát triển bền vững cho ngành gỗ. Thế nên các doanh nghiệp CBG muốn chỉ có 1 hướng đi là : Cải tiến phát triển bắt kịp xu thế về công nghệ máy móc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Muốn làm được điều này, chúng ta phải :
2.1. Đón đầu ứng dụng công nghệ mới:
Các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ để tang lợi thế cạnh tranh, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ, những công nghệ chế biến, sản xuất gỗ liên tục được cho ra đời. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài.
Hiện nay, trên thế giới máy chế biến gỗ đã phát triển đến công nghệ hiện đại của Đức, Ý, Nhật, Đài Loan như các thương hiệu đã nổi tiếng trên thế giới như WEINIG , SCM, BACCI,SHODA , ANDERSON, YOW CHERNG, CHIA LUNG …vv.
Trong nhiều năm qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã tạo ra sự cạnh tranh cao nhờ vào nguồn nhân công dồi dào và chi phí thuê nhân công khá thấp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân công không còn dồi dào vì sự cạnh tranh khá lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì không còn con đường nào khác DN phải áp dụng Công nghệ vào trong sản xuất. Khi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thì sẽ giúp Sản xuất nhanh hơn, giảm thiểu tối đa nhân công. Các doanh nghiệp không còn phải lệ thuộc vào nhân công giá rẻ đang dần trở nên khan hiếm. Trong những môi trường làm việc nguy hiểm, con người không phải xuất hiện nên giảm tỉ lệ tai nạn trong lao động. Kiểm soát được món hàng từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành. Đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các mẻ thành phẩm (máy móc sẽ giúp bạn kiểm soát và ước tính cho bạn nên sản xuất thế nào để tiết kiệm phôi gỗ nhất).
2.2. Đào tạo con người vận hành:
Việc sử dụng công nghệ hiện đại đi đôi với việc đào tạo con người trong sản xuất, vận hành hệ thống máy mọc hiện đại, nâng tầm chất lượng lao động trong hội nhập để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nhất là trong xu hướng mà khách hàng luôn đòi hỏi sản phẩm đa dạng mẫu mã, sản phẩm phải tinh tế – đẹp hơn nhưng giá cả tăng rất ít hoặc không thay đổi, vì vậy tạo áp lực cải tiến rất lớn cho ngành gỗ hiện nay. Do đó cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhân công lao động và tiết giảm tối đa chi phí.
2.3. Đẩy mạnh khâu chuyển giao công nghệ, sản xuất máy chế biến gỗ mang thương hiệu Việt Nam:
Với Sự phát triển của Công nghệ của thế giới phẳng như hiện nay thì việc chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất máy chế biến gỗ mang thương hiệu Việt là điều rất cần thiết. Nếu làm tốt điều này thì bên cạnh việc hạ giá thành máy móc chế biến gỗ ngoại mà vẫn đảm bảo chất lượng cho Doanh nghiệp gỗ Việt chúng ta còn đẩy mạnh sự phát triển, xuất khẩu máy móc chế biến gỗ. Trên thực tế, Đài Loan và các Doanh Nghiệp máy móc chế biến gỗ Đài Loan đã trở thành thương hiệu tầm trung trên thị trường. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào trình độ của đội ngũ kỹ thuật viên Việt Nam về vấn đề này. Trên thực tế hiện nay đã có một số DN máy móc chế biến gỗ Việt làm được điều này, bước đầu đã có thành công nhưng vẫn còn manh nha, chưa đăng ký quyền bảo hộ tài sản trí tuệ …vv.
2.4. Đồng bộ thiết bị công nghệ trong sản xuất:
Việc đồng bộ các thiết bị công nghệ sản xuất giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu lao động chân tay và đặc biệt giúp các DN thuận lợi khi đẩy mạnh chuyên môn hóa, tham gia vào chuỗi sản xuất; tiếp nhận đơn hàng lớn và nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Và điều này sẽ đạt hiệu quả cao khi DN chế biến gỗ đầu tư mạnh vào công nghệ, đón đầu xu hướng công nghệ trong sản xuất. Một trong những cách để tiến tới tự động hóa là doanh nghiệp phải sản xuất chuyên một sản phẩm nào đó. Các doanh nghiệp Việt Nam thì làm quá nhiều mẫu mã, mẫu mã thay đổi liên tục, lại phải sản xuất quá nhiều mặt hàng. Khi chúng ta có máy móc đồng bộ, chúng ta sẽ sản xuất theo chuỗi và khi đó đơn hàng ổn định, số lượng lớn, sản phẩm chuyên môn hóa cao, thống nhất chặt chẽ về quy chuẩn sản phẩm giữa nhà thiết kế – nhà sản xuất – nhà phân phối.
3. Kiến nghị
3.1. Chính sách về nhập khẩu / sản xuất trong nước (tỷ lệ nội địa hóa):
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích ngành máy móc chế biến gỗ phát triển song hành cùng với ngành sản xuất gỗ để hướng tới sự phát triển bền vững. Nhà nước nên tạo điều kiện về vốn để các DN máy móc chế biến gỗ có thể mua được những công nghệ của các nước như : Đức, Ý, Nhật, hay ít nhất cũng là Đài Loan để DN máy móc chế biến gỗ tự sản xuất máy móc mang thương hiệu Việt. Nếu để Doanh nghiệp máy móc chế biến gỗ tự tìm mua công nghệ thì hiện nay không đủ lực với những ràng buộc và kinh phí lên tới hàng triệu đô la Mỹ. Đối với vấn đề này chúng tôi đề xuất:
– Đối với thuế: Đề nghị ưu đãi thuế và các điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện công nghiệp Việt Nam từ các quốc gia phát triển như : Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Đài Loan được thuận lợi hơn với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ vận hành máy móc, sử dụng thiết bị, nâng cao trình độ.
– Đối với nguồn vốn: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn ưu đãi để mua máy móc thiết bị nâng cao công nghệ chế biến gỗ, kể cả ngành công nghệ phụ trợ.
– Đề nghị ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ kịp thời cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
3.2. Chính sách về đào tạo
– Đề nghị đẩy mạnh những chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ Việt Nam; trong đó chú trọng việc đào tạo kiến thức và kỹ năng, tay nghề phù hợp với sản xuất sản phẩm gỗ, nâng cao trình độ vận hành máy móc, thiết bị của công nhân, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, điều hành sản xuất, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của đội ngũ quản lý.
– Tăng cường hỗ trợ các trường đại học mở các chuyên ngành đào tạo phát triển nguồn nhân lực đối với những lĩnh vực mà các doanh nghiệp không thể tự đào tạo, chuyển giao được. Trong đó ưu tiên trao đổi, tăng thời gian sinh viên tập sự tại các nhà máy chế biến gỗ trong nước và quốc tế để có nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu.
– Có chính sách thu hút người lao động tham gia các chương trình đào tạo công nhân lành nghề phù hợp với sự đổi mới công nghệ.
3.3. Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hóa trong sản xuất gỗ DN gỗ tham gia vào chuỗi cung ứng, đủ tầm nhận những đơn hàng lớn hơn hiện nay.
Với kiến nghị này thì vai trò trung gian của DN máy chế biến gỗ cần được phát huy. DN máy móc chế biến gỗ sẽ là đầu mối tạo thuận lợi cho DN chế biến gỗ sắp xếp sản xuất khi trở thành nơi thu mua của người có, đem đến cho người cần. Sở dĩ chúng tôi kiến nghị điều này là do lịch sử hình thành, hiện nay rất nhiều Doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt đều làm hàng thành phẩm trọn gói. Các DN đầu tư rất nhiều máy móc, nhiều chủng loại máy móc hiện đại nhưng không đồng bộ, không thể tham gia chuỗi sản xuất, một hướng đi tất yếu của ngành chế biến gỗ. Với trách nhiệm một doanh nghiệp cung ứng máy móc chế biến gỗ, chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm này về phía mình, để đồng hành cùng ngành gỗ Việt đi đến con đường phát triển bền vững.
Trước thềm năm mới, kính chúc Toàn thể các vị đứng đầu của bộ máy nhà nước cùng quý Đại biểu được nhiều sức khỏe, Bình An và luôn gặp may mắn.
Kính Chúc Hội Nghị diễn ra thành công tốt đẹp.
Trân Trọng!.
CÔNG TY MÁY CHẾ BIẾN GỖ THƯỢNG NGUYÊN
( Giám đốc)
DƯƠNG THỊ TÚ TRINH